Siêu cường giáo dục!

Thứ sáu - 02/03/2012 23:16

finnish-kids_1330333680.jpg

finnish-kids_1330333680.jpg
Siêu cường giáo dục!

Siêu cường giáo dục!

Muốn giải quyết các rắc rối lâu dài mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho phương Tây, chẳng có lối thoát nào khác là làm tốt việc giáo dục quốc dân! Đây không phải là giải pháp duy nhất, song là giải pháp đầu tiên.

Chúng ta thường nghe nói về siêu cường kinh tế, siêu cường quân sự, nhưng siêu cường giáo dục thì dường như chưa thấy ai nhắc tới. Có lẽ chẳng mấy người biết siêu cường đang thu hút ánh mắt ngưỡng mộ của cả thế giới ấy, chỉ là một quốc gia có số dân ít hơn thành phố Hà Nội.

Lối thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế

Mấy năm nay dư luận Mỹ và châu Âu tranh cãi om xòm nhằm tìm cách thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế và nợ công chồng chất đang dồn họ tới đường cùng. Giờ đây dường như họ đã nhận thấy lối thoát căn bản nhất ra khỏi thảm cảnh ấy chính là giáo dục.

Trong bài viết giả tưởng www.ft.com%2Fcms%2Fs%2F0%2Fa3e50fa6-3ab7-11e1-a756-00144feabdc0.html&_i_referer=#axzz1mxjbZxhV">Thư của Adam Smith gửi các nhà tư bảnđăng trên Thời báo Tài chính (Financial Times) hôm 9/1 vừa rồi, ông David Rubenstein Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính khổng lồ Carlyle (Mỹ) đề xuất một điều kiện tiên quyết để thoát ra khỏi thế khốn quẫn hiện nay là Giáo dục, giáo dục và giáo dục! - ông nhấn mạnh tới ba lần.

Rubenstein viết: Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng bất bình đẳng về thu nhập là do chúng ta chưa làm tốt giáo dục cơ sở và giáo dục phổ thông. Sự mất cân đối ngày một tăng giữa cơ hội tìm việc làm với ứng viên có tay nghề làm cho nền kinh tế hoạt động thiếu hiệu quả, tạo nên cảm giác bất công giữa người thất nghiệp với người có việc làm và gây ra mất ổn định xã hội.

Hãy cho tất cả trẻ em đến trường học, tìm cách giảm số trẻ bỏ học giữa chừng, tái giáo dục và tái đào tạo người lớn tuổi - bằng cách đó các quốc gia sẽ chuẩn bị được tốt hơn lực lượng người lao động nắm được công nghệ mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng truyền thụ cho người lớn tuổi các kiến thức cơ bản về kinh tế và tài chính tiền tệ là điều rất quan trọng để họ khỏi nhầm lẫn tiếp thu những lời cổ vũ cho các chính sách kinh tế thiển cận của các ứng cử viên tranh chức nghị sĩ và tổng thống.

Qua tìm hiểu tình hình sau khi khủng hoảng nổ ra, người ta thấy phần lớn dân chúng rất thiếu thông tin chính xác. Tình trạng nhiều người nhầm lẫn sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ về chính trị cho thấy xã hội Âu Mỹ đã thiếu quan tâm đến giáo dục người lớn.

Nếu không tiến hành các cải cách quan trọng như xây dựng hệ thống học tập có sức thu hút trên mạng Internet, mở rộng giáo dục từ xa trên đài phát thanh và truyền hình, cung cấp cho trẻ em nhiều khả năng lựa chọn học tập thì sẽ rất khó tìm được những phương pháp có hiệu quả lâu dài nhằm khắc phục các vấn nạn về chính trị.

Muốn giải quyết các rắc rối lâu dài mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho phương Tây, chẳng có lối thoát nào khác là làm tốt việc giáo dục quốc dân! Đây không phải là giải pháp duy nhất, song là giải pháp đầu tiên.

Huyền thoại một dân tộc thành công về giáo dục

Trong bối cảnh như vậy, giáo dục trở thành đề tài thu hút dư luận phương Tây. Ai cũng biết giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng khó nhất là ở chỗ cách thức thực hành quốc sách ấy.

Trong số các quốc gia nổi tiếng về giáo dục ta thấy có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v.v...là những nơi đề cao cạnh tranh, lại có cả các nước Bắc Âu vốn trọng truyền thống bình đẳng, không đề cao cạnh tranh.

Năm ngoái, người Mỹ từng tranh cãi om xòm về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ kể lại cung cách bà Amy Chua đã dạy dỗ hai cô con gái của bà trở nên tài giỏi như thế nào. Nhưng rốt cuộc người Mỹ đi tới kết luận: Cách giáo dục chuyên chế ấy chỉ thích hợp với người Á Đông mà thôi. Giờ đây họ hướng ánh mắt về Phần Lan, quốc gia đang nổi lên với huyền thoại cả một dân tộc thành công về giáo dục.

Phần Lan đất rộng tương đương Việt Nam nhưng số dân chỉ bằng 1/16. Trong hơn chục năm qua xứ sở này nổi tiếng thế giới bởi thương hiệu điện thoại di động Nokia. Nhưng từ khi hãng Apple tung ra điện thoại thông minh iPhone thì danh tiếng của Nokia không còn cao như trước. Bù lại Phần Lan có một lĩnh vực vô cùng đáng tự hào đang được cả thế giới ngưỡng mộ. Đó là giáo dục.

Những cái nhất về giáo dục của Phần Lan thể hiện ở chỗ:

- Được OECD xếp hạng nhất thế giới về thành tích trắc nghiệm PISA của học sinh trung học.

- Giáo dục cao đẳng năm nào cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF xếp hạng hàng đầu toàn cầu.

- Nhất thế giới về sự cân đối trong giáo dục, chênh lệch trình độ kiến thức giữa học sinh giỏi nhất với học sinh kém nhất không quá 4%.

- Quan chức ngành giáo dục tất cả các nước đều đến Phần Lan học hỏi kinh nghiệm giáo dục. Khách thăm nhiều làm cho thu nhập du lịch của nước này tăng vọt.

Giáo dục Phần Lan bắt đầu được dư luận quốc tế quan tâm từ sau năm 2000 khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD tổ chức lần đầu tiên kỳ thi PISA, tức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment).

PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện ba năm một kỳ tại hơn 40 địa điểm trên toàn cầu cho gần nửa triệu học sinh. PISA tiến hành được bốn kỳ (2000-2003-2006-2009) thì các học sinh Phần Lan giành được vị trí thứ nhất trong ba kỳ đầu.

Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu về toán học. Sức cạnh tranh xuất sắc của học sinh Phần Lan trong các kỳ thi này làm cả thế giới ngạc nhiên.

Xin nói thêm là các học sinh Phần Lan dự thi PISA hoàn toàn học ở trường công (nước này không có các trường tư thu tiền cao để đào tạo "gà nòi" như ở nhiều nước khác), học muộn hơn (7 tuổi mới đi học) và chỉ học 30 giờ mỗi tuần, kể cả bài tập về nhà. Học sinh nước khác học 50 giờ/ tuần, thế mà thi PISA vẫn thua học sinh Phần Lan.

Phần Lan, quốc gia đang nổi lên với huyền thoại cả một dân tộc thành công về giáo dục.

Người ta càng ngạc nhiên tới khó hiểu khi biết Phần Lan không hề coi trọng bất cứ kỳ sát hạch nào, kể cả PISA, họ không bao giờ mở các lớp chuyên đào tạo học sinh đi thi PISA hoặc thi Olympic như ở một số nước khác :

"Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách để học chứ không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi hướng tới." - TS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International Mobility and Cooperation, CIMO) nói.

"Phần Lan không có dầu mỏ, cũng chẳng có nhiều tài nguyên nào đáng giá. Kiến thức là thứ duy nhất mà chúng tôi có" - bà Hiệu trưởng Hannele Frantsi tự hào nhấn mạnh.

Giới truyền thông quốc tế gọi Phần Lan là Siêu cường giáo dục. Tuần báo Newsweek xếp nước này nhất thế giới về thành tích giáo dục năm 2010.

Người dân có năng lực tự tồn tại trong xã hội

Với diện tích 338.145 km2, số dân 5,26 triệu, Phần Lan hiện có gần 2 triệu người đang đi học trong hơn 5100 nhà trường các loại. Số trường tiểu học và trung học của họ (3500) nhiều gấp 10 lần nước Singapore tương đương về số dân (5,35 triệu). Chi phí giáo dục chiếm 5,9% GDP hoặc hơn 15% ngân sách (năm 2007).

Số liệu thống kê năm 2010 cho thấy người Phần Lan có học nhất thế giới: 100% số dân biết chữ; 98% được hưởng giáo dục từ trước tuổi đi học; 99% hoàn thành giáo dục cơ sở nghĩa vụ và 94% trong số đó được học lên THPT hoặc cao hơn. Mật độ thư viện dày đặc nhất: Đổ đồng cứ 6000 dân có một thư viện xây cất và trang bị hiện đại (chưa kể các thư viện di động), mỗi người dân mỗi năm mượn đọc 21 cuốn sách.

Toàn dân được hưởng miễn phí chế độ giáo dục nghĩa vụ 12 năm. Miễn phí ở đây là không phải đóng học phí đã đành mà còn được cấp sách bút và dụng cụ học, ăn bữa trưa miễn phí ở trường, đi học không mất tiền xe. Học sinh ở cách trường hơn hai ki lô met được cấp vé đi xe bus. Không có tuyến bus thì được cấp tiền đi ta-xi. Trẻ tròn 7 tuổi phải đến trường, không đi học thì cán bộ chính quyền đến tận nhà nhắc nhở.

Ngành giáo dục đã thực hiện được mục đích đào tạo người dân có năng lực tự tồn tại trong xã hội. Nhờ thế, tuy chế độ phúc lợi xã hội ở Phần Lan vào loại tốt nhất toàn cầu nhưng dân nước này không mắc bệnh lười lao động như ở một số quốc gia phúc lợi khác.

Thành công giáo dục đem lại thành công kinh tế: Tuy nghèo tài nguyên nhưng Phần Lan năm 2011 làm ra GDP bằng 195,6 tỷ USD (gấp hai Việt Nam), hoặc mỗi đầu người 38.700 USD.

Không chỉ nhất thế giới về khả năng cạnh tranh học tập của học sinh phổ thông mà Phần Lan còn đứng thứ tư về năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu năm 2011-2012 (trên Mỹ một bậc), tức nhảy thêm ba nấc so với năm trước [1].

Mới đây báo Nhà kinh tế (Economist) nổi tiếng của Anh Quốc kiến nghị các nhà lãnh đạo châu Âu hãy tạm ngừng công việc để đến Phần Lan dự giờ học cấp phổ thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này giỏi thế.

Phần Lan có một lĩnh vực vô cùng đáng tự hào đang được cả thế giới ngưỡng mộ. Đó là giáo dục.

Giấc mơ Phần Lan

Để được như ngày nay, người Phần Lan đã bỏ ra gần 40 năm tiến hành công cuộc cải cách giáo dục với quyết tâm dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt. Tất cả các nhiệm kỳ chính phủ của Phần Lan đều phấn đấu thực hiện quyết tâm ấy, cho dù đảng nào lên cầm quyền cũng vậy. Họ không hô hào suông, không nói những lời đao to búa lớn mà chỉ làm việc như một đàn kiến.

Chuyển biến đầu tiên về giáo dục đến vào năm 1963, khi Quốc hội Phần Lan thông qua quyết định táo bạo chọn giáo dục công làm mũi đột phá để phục hồi kinh tế. Thập niên 70, ngành giáo dục nêu ra ý tưởng học sinh cả nước đều phải được học trong các trường công chất lượng tốt.

Yêu cầu toàn thể học sinh phổ thông phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không để con em nhà giàu hoặc dân da trắng được học tốt hơn con em nhà nghèo hoặc dân da màu di cư đến. Giấc mơ bình đẳng giáo dục ấy còn gọi là Giấc Mơ Phần Lan (Finnish Dream). Ai cũng biết các dân tộc Bắc Âu ghét nhất sự bất công xã hội.

Quyết định quan trọng thứ hai đến vào năm 1979, khi các nhà cải cách giáo dục yêu cầu toàn bộ giáo viên THCS và THPT đều phải có học vị thạc sĩ, được đào tạo lí thuyết và thực hành trong năm năm tại một trong tám trường đại học công. Giáo viên dạy trẻ trước tuổi đi học phải có bằng cử nhân.

Quyết định này nâng cao rõ rệt trình độ và địa vị của các thầy cô giáo. Hiện nay giáo viên được trả lương tương đương mức lương trung bình trong khối OECD (38.500 USD/năm). Tức là cũng không có gì đặc biệt, song họ được xã hội trọng vọng và được tự chủ rất cao trong công việc.

Giới trẻ đua nhau vào ngành sư phạm. Năm 2010 có khoảng 6.600 ứng viên tranh 660 vị trí giáo viên cấp tiểu học. Nghể giáo thực sự là nghề cao quý.

Ngành giáo dục Phần Lan theo đuổi một triết lý giáo dục độc đáo, thể hiện ở sự quan tâm và tôn trọng hai chủ thể quan trọng nhất của giáo dục là học sinh và giáo viên, không để họ phải chịu bất kỳ sức ép nào do con người tạo ra.

Từ thập niên 80 họ loại bỏ hết các "hủ tục" khiến học sinh phải chịu sức ép về học tập, như mọi hình thức sát hạch thi cử, biện pháp cho điểm, xếp hạng học sinh giỏi kém. Ở bậc phổ thông không có kiểm tra kiến thức, do đó không có cạnh tranh giữa các học sinh (ở ta gọi là "thi đua").

Các nhà giáo dục Phần Lan cho rằng cạnh tranh sẽ có hại cho tâm hồn lũ trẻ khi chúng chưa trưởng thành. Chỉ khi đến độ tuổi 18-19, học sinh mới phải dự kỳ thi đầu tiên trong đời mình: Thi vào đại học. Dường như giáo viên chỉ có nhiệm vụ biến trường lớp trở thành thiên đường của trẻ em, sao cho chúng hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội.

Mong sao Việt Nam ta cũng sớm biết dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt.

Mỗi học sinh đều được khuyên nhủ phải tự giác học tập, coi đó là niềm vui của mình, vì thế khi lên lớp không có điểm danh. Chương trình học rất nhẹ nhàng: Học sinh các lớp 1-2 mỗi tuần chỉ học có 20 giờ; lớp 3-6: 24-26 giờ; lớp 7-9: 30 giờ. Học sinh trung học mỗi tối mất khoảng nửa giờ để làm bài tập ở nhà.

Giáo viên, chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục cũng không phải chịu bất cứ sức ép nào. Tất cả các nhà trường đều không tiến hành so sánh giỏi kém, không xếp hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên. Giáo viên có quyền tự chủ rất cao, được tự quyết định cách giảng dạy, miễn sao đạt được mục tiêu nhà trường đề ra.

Ngành giáo dục không tiến hành đánh giá, xếp hạng chất lượng các trường. Họ xuất phát từ nhận thức: Nếu ngành giáo dục còn không tín nhiệm chính giáo viên của mình thì nói gì tới việc học sinh tin yêu và nghe lời thầy cô? Nếu thực thi đánh giá xếp hạng giáo viên thì tất nhiên giáo viên thứ hạng thấp sao còn uy tín để dạy các em? Ai muốn cho con mình vào học một nhà trường bị xếp hạng kém? Nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì học sinh sao có thể tin vào nhà trường? Và như vậy giáo dục còn có ý nghĩa gì ?

Người xứ này thường nói: Không có học sinh kém, chỉ có giáo viên chưa biết cách giảng dạy. Vì thế chất lượng thầy cô giáo được đặt lên hàng đầu. Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu cực cao đối với giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng. Hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất tiếp tục đào tạo họ suốt đời. Có thể nói thầy giỏi là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công giáo dục ở Phần Lan.

Mong sao Việt Nam ta cũng sớm biết dùng giáo dục để thay đổi đất nước về mọi mặt .

--------

[1] Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2011-2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố. Thụy Sĩ, Singapore và Thụy Điển chiếm 3 vị trí cao nhất.

Theo tuanvietnam.net 

Tác giả: Mai Van Viet

  Ý kiến bạn đọc

Bản đồ vị trí
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay10,204
  • Tháng hiện tại205,034
  • Tổng lượt truy cập7,950,158
Tỉnh Bình Dương
Huyện Dầu Tiếng
logo-4
logo-1
logo-2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi